Họ Nhân sâm (Araliaceae) trong hệ thực vật nước ta ước có khoảng 141 loài và 17 thứ thuộc 19 chi. Những nghiên cứu đã có về mặt hóa học thường mới tập trung nhiều vào các loài trong chi Sâm (Panax), đặc biệt là các loài: Nhân sâm (P. ginseng), Sâm việt nam (P. vietnamensis), Ngũ gia bì gai (Acanthopanax trifoliatus), Tam thất (Panax noto-ginseng), Đinh lăng (Polyscias fruticosa) và một vài loài khác như: Chân chim (Schefflera heptaphylla), Đơn châu chấu (Aralia armata (all. ex G.Don) Seem)... Còn nhiều chi và rất nhiều loài khác, đặc biệt là các loài đặc hữu lại hầu như chưa được nghiên cứu về mặt hóa học. Những kết quả nghiên cứu đã có cho biết, các loài trong họ Nhân sâm (Araliaceae) thường có khả năng sinh tổng hợp và tích lũy các hợp chất triterpen saponin, steroidal saponin, các ginsenosid, đặc biệt là các vina-ginsenosid, cùng các polysaccharid, các flavonoid, tinh dầu và các hợp chất hữu cơ khác...Chi Đơn châu chấu (Aralia L.) tuy là chi có số loài đa dạng và phong phú xếp hàng thứ hai trong họ Nhân sâm ở Việt Nam nhưng đến nay mới có rất ít thông tin về mặt hóa học.

Loài Aralia hiepiana J. Wen & Lowry được phát hiện năm 2002 tại Đà Lạt, đây cũng là loài đặc hữu của Lâm Đồng nên chưa từng được nghiên cứu về mặt hoạt tính sinh học cũng như thành phần hóa học.

Do đó, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Thị Diệu Thuần (Phòng Hóa hợp chất thiên nhiên – Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên) đã tiến hành nghiên cứu thành phần hóa học của loài Cuồng Hiệp Aralia hiepiana J. Wen & Lowry để góp phần vào việc sử dụng cũng như bảo tồn và phát triển loài thực vật mới này

Từ các dịch chiết phân đoạn của lá cây A. hiepiana, bằng các phương pháp sắc ký bước đầu đã phân lập được 7 hợp chất sạch. Dựa trên dữ liệu phổ, kết hợp so sánh với các tài liệu đã công bố, các hợp chất được xác định có cấu trúc là n-nonancosanol (1), β-sistosterol (2), kaempferol (3), quercetin (4), apigenin 7-O-β-glucoside (5), kaempferitrin (6), kaempferol 3-O-β-D-glucopyranosyl-7-O-α-L-rhamnopyranoside (7). Các hợp chất trên lần đầu tiên được phân lập từ loài A. hiepiana.

                Cấu trúc các hợp chất phân lập từ lá cây Aralia hiepiana

Đề tài đã công bố 1 bài báo trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ số 56(4A)-2018, góp phần đào tạo 1 thạc sỹ ngành Hóa phân tích, Trường Đại học Đà Lạt.

Các kết quả của đề tài đã góp phần bổ sung các dữ liệu về thành phần hóa học của lòai A. hiepiana. Đây cũng là bước đầu cho các nghiên cứu tiếp tục được triển khai trên các phân đoạn còn lại, hứa hẹn nhiều triển vọng trong việc phân lập được các hợp chất có hoạt tính sinh học có giá trị.

                                                                                                                                                                                                   Tin: Thu Hiền

Thống Kê

1982835
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
219
569
3707
1970562
14689
18746
1982835

Your IP: 3.15.219.217
2024-04-20 07:57