Bọ cạp là bộ động vật thuộc lớp hình nhện (Arachnida) và là bộ hình nhện cổ. Bọ cạp dễ nhận biết qua đôi chân xúc giác dạng kìm, phần bụng dài có nhiều đốt và phần đốt độc ở cuối bụng, hô hấp bằng 4 đôi túi phổi ở vị trí gần lược sinh dục (cả đực và cái đều có).

Bọ cạp thường sống ở nơi nóng ẩm như rừng mưa nhiệt đới hoặc sa mạc, hoạt động về đêm, ban ngày ẩn dưới thảm mục, vỏ cây hoặc hang. Bọ cạp ăn thịt, phần lớn là các động vật bé, nọc độc tác động lên hệ thần kinh làm tê liệt con mồi. Phần lớn bọ cạp đẻ con chứ không đẻ trứng, con non sẽ bám trên lưng mẹ cho đến lần lột xác thứ nhất.

Vào đêm tối, khi chiếu tia UV lên cơ thể của những con bọ cạp hoặc dưới ánh sáng trăng thì sẽ thấy cơ thể chúng phát sáng màu xanh dương – xanh lá. Nếu bọ cạp còn non và mới lột xác thì không có hiện tượng này nên những chất sau khi vỏ bọ cạp cứng cáp mới có tính chất phát huỳnh quang. Những chất này rất bền dù là ngâm trong cồn, vỏ đã lột hoặc hóa thạch thì vẫn phát ra huỳnh quang dưới tia UV. Người ta đã tìm ra 2 hợp chất phát huỳnh quang chính trong lớp vỏ bọ cạp là β-carboline và 7-hydroxy-4-methylcoumarin. Tuy nhiên, nghiên cứu của Yoshimoto Yusuke và các cộng sự thực hiện trên vỏ đã lột của loài Liocheles australasiae đã tìm ra thêm một chất có tính phát huỳnh quang mạnh là một ester phthalate. Chất này cũng có tính chống nấm và kí sinh trùng ở các loài sinh vật khác.

Hiện chưa tìm được chính xác lí do bọ cạp tiến hóa lớp vỏ có chất phát huỳnh quang mà vẫn còn là những giả thuyết như giúp bọ cạp tìm được bạn tình trong đêm tối, giúp chúng tránh những nơi có ánh sáng nhiều, tăng khả năng quan sát của bọ cạp trong đêm (vì mắt bọ cạp nhạy hơn với phổ ánh sáng từ xanh dương – xanh lá)… Tuy nhiên, một số nghiên cứu của Gaffin Douglas và các cộng sự đã cho thấy rằng dựa vào lượng UV chiếu trên cơ thể mà bọ cạp quyết định có hoạt động hay không. Điều này thể hiện qua những đêm trăng tròn và sáng, bọ cạp ít ra ngoài hoặc ở lại trong hang trú ẩn.

Dù chưa biết lí do chính xác nhưng đối với con người thì việc phát sáng của bọ cạp có lợi, giúp cho chúng ta tránh chúng dễ dàng hơn trong đêm.

Heterometrus laoticus dưới ánh sáng trắng và tia UV

Tin: Hà Thanh Thịnh

Nguồn tin:

Yoshimoto Yusuke, Tanaka Masato, Miyashita Masahiro, Abdel-Wahab Mohammed, Megaly Alhussin, Nakagawa Yoshiaki, Miyagawa Hisashi (2020), "A Fluorescent Compound from the Exuviae of the Scorpion, Liocheles australasiae", Journal of Natural Products, 83 (2), 542-546. https://dx.doi.org/10.1021/acs.jnatprod.9b00972.

Gaffin Douglas, Bumm Lloyd, Taylor Matthew, Popokina Nataliya, Mann Shivani (2012), "Scorpion fluorescence and reaction to light", Animal Behaviour, 83 (2), 429-436. http://dx.doi.org/10.1016/j.anbehav.2011.11.014.

Thống Kê

1982902
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
286
569
3774
1970562
14756
18746
1982902

Your IP: 18.222.125.171
2024-04-20 11:19