Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên là đơn vị chế tác tiêu bản động vật ở khu vực Tây Nguyên và các khu vực lân cận. Nhiều tiêu bản động vật có kích thước lớn với độ khó chế tác cao được Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên chế tác như Voi châu Á, Bò tót, Nai… Quá trình chế tác tiêu bản da nhồi và xương Voi châu Á (Elephas maximus Linnaeus, 1758) của Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên tiến hành như sau.

Hồ sơ mẫu vật:

Loài: Voi châu Á (Elephas maximus Linnaeus, 1758); Giới tính: Đực.

Tên: Ethen; Tuổi: 68; Khối lượng: 4,2 tấn.

Nguồn gốc: cá thể voi này được nuôi ở Yok Đôn, Đăk Lăk, sau đó được khu du lịch thác Prenn, Đà Lạt, Lâm Đồng tiếp nhận để phục vụ du lịch và chết do tuổi già.

Thời gian thu mẫu: 25/06/2015.

Quá trình thu nhận mẫu:

Sau khi tiếp nhận mẫu vật, chúng tôi tiến hành đo đạc các thông số cơ thể của mẫu vật để dựa trên cơ sở đó mà tạo tác lại tiêu bản.

Việc di chuyển mẫu được thực hiện một cách cẩn thận, tránh gây hư hỏng, xây xát phần da. Khi di chuyển mẫu voi và cả những loại mẫu vật lớn, cần sử dụng những loại máy móc hỗ trợ cỡ lớn như xe múc, trục nâng, xe tải.

 

Chế tác mẫu da nhồi:

Sau khi mẫu voi được di chuyển đến Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên, tiến hành rửa sạch các bụi bẩn bám trên da. Tiếp theo, tiến hành lột da mẫu vật. Trong quá trình này cần cẩn thận để không làm tổn hại đến phần da. Sau khi lột da xong, ướp da với hỗn hợp muối – phèn chua với tỉ lệ 3:1 trong 36 giờ. Việc ướp da giúp loại bỏ và ức chế các vi sinh vật gây phân hủy da, đồng thời làm các loại mô mỡ săn lại, dễ dàng hơn trong việc thuộc da sau này.

Sau khi ướp da, lọc sạch mỡ và thịt còn dính lại trên da và ngâm da trong hỗn hợp dung dịch acid sunfuric, muối, acid formic, phenol để bảo quản da không bị phân hủy (thuộc da) trong thời gian 2 tuần. Trong quá trình thuộc da, chúng tôi thường xuyên kiểm tra cẩn thận vì đây là quá trình ảnh hưởng đến độ bền bỉ, tuổi thọ của tiêu bản.

Tạo bộ khung sắt theo kích thước mẫu vật đã đo khi tiếp nhận. Tiếp theo bọc da lên khung sắt vừa tạo, căn chỉnh vị trí, cố định những vị trí cần thiết và khâu một vài bộ phận. Sau đó tiến hành nhồi bông vào và hoàn thiện mẫu. Da của những mẫu vật lớn vô cùng dày và cứng sau quá trình thuộc da, nên cần vận dụng khéo léo những công cụ sao cho đảm bảo được tính thẩm mĩ cũng như hoàn thiện mẫu một cách tốt nhất có thể.

Chế tác mẫu xương:

Loại bỏ thịt, mỡ trên xương. Tiếp đến, luộc xương đến khi mô bám trên xương được chín. Việc luộc xương giúp dễ dàng làm những mô bám trên xương dễ bong tróc hơn, thuận tiện trong việc làm sạch xương. Sau khi làm sạch xương, đem xương ngâm trong dung dịch H2O2 (20%) trong thời gian 24 giờ để loại bỏ hoàn toàn những mô còn dính trên xương và làm xương trắng. Đem xương ra phơi nắng to hoặc có thể sấy cho thật khô rồi phủ một lớp bảo vệ khôngmàu lên xương. Cuối cùng, làm đế, tạo khung nâng đỡ bằng thép không rỉ và lắp ráp thành bộ xương.

Tin: Hà Thanh Thịnh

 

Thống Kê

1985291
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
523
641
2039
1979128
17145
18746
1985291

Your IP: 3.144.187.103
2024-04-23 23:52