Sáng ngày 14/01/2022, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2022.

Thay mặt Ban lãnh đạo cơ quan, TS. Nguyễn Hữu Toàn Phan – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã thông qua Báo cáo tổng kết năm 2021 với một số nội dung chính như sau:

  1. Cơ cấu tổ chức:

Thực hiện theo Quyết định số 1809/QĐ-VHL ngày 1 tháng 11 năm 2021 của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam về việc sáp nhập Viện Địa lý tài nguyên Tp. Hồ Chí Minh vào Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên, Viện đã triển khai các công tác sát nhập, chính quyền, đoàn thể.

Cơ cấu tổ chức hiện nay gồm có 01 phòng Quản lý tổng hợp, 06 phòng chuyên môn và 01 Viện Địa lý tài nguyên Tp. Hồ Chí Minh.

Ban lãnh đạo gồm 01 Viện trưởng và 03 Phó Viện trưởng.

  1. Kết quả khoa học và công nghệ năm 2021:

Năm 2021, Viện triển khai thực hiện 02 đề tài thuộc chương trình Tây Nguyên 2016-2020, 04 đề tài Nafosted, 02 đề tài cấp Viện Hàn lâm thuộc 7 hướng ưu tiên, 01 đề tài cấp tỉnh Lâm Đồng.

- Đề tài TN18/C09: “Nghiên cứu bảo tồn và phát triển một số loài dược liệu chủ lực, bản địa quý hiếm của Tây Nguyên, tạo ra một số sản phẩm có giá trị cao từ một vài loài dược liệu chủ lực, bản địa quý hiếm của Tây Nguyên”.

Hoàn thành tất cả các nội dung nghiên cứu, sản phẩm của đề tài: Danh mục các loài dược liệu chủ lực của Tây Nguyên, nghiên cứu thành phần hóa học của 09 loài dược liệu, xây dựng phương pháp phân tích 10 chất chỉ thị của 06 loài dược liệu, 06 quy trình trồng trọt, 06 quy trình thu hoạch, 06 quy trình bảo quản của 06 loài dược liệu, 05 mô hình trồng dược liệu (2-3 ha/loài), nhân giống bảo tồn 02 loài dược liệu, hoàn thiện công nghệ và tạo ra 04 sản phẩm viên nang mềm. Công bố 03 bài báo ISI, 01 bài báo quốc tế, 02 bài quốc gia. Hỗ trợ đào tạo 2 NCS, 5 Cao học. Đề tài đã nghiệm thu cấp Nhà nước.

- Đề tài TN18/T08: “Nghiên cứu phát triển, sử dụng và bảo tồn bền vững 05 loài Lan (Dendrobium nobile, Dendrobium trankimianum, Paphiopedilum villosum, PhaiusbaolocensisPhaius tankervilleae) đặc hữu, quý hiếm và có giá trị kinh tế cao, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại Lâm Đồng – Tây Nguyên”.

Hoàn thành sản phẩm nhân giống của 5 loài lan với số lượng 20.000 cây, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đã xây dựng 3 mô hình trồng lan bán hoang dã tại Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên (4.000 cây), Vườn Quốc gia Bidoup Núi Bà (8.000 cây) và Khu du lịch Hồ Tuyền Lâm (8.000 cây). Công bố 01 bài SCIE, 02 bài quốc gia. Hỗ trợ đào tạo 02 Cao học. Đề tài đã nghiệm thu cấp Nhà nước.

- Đề tài Nafosted: “Nghiên cứu thành phần hóa học và hoạt tính sinh học một số loài thuộc chi Vông đỏ (Alchornea) ở Việt Nam”.

Hoàn thành phân lập và xác định cấu trúc hóa học của 4 loài A. tiliaefolia, A. rugosa, A. trewioides A. annamica. Công bố 02 bài SCIE, 02 bài quốc gia. Hỗ trợ đào tạo 02 Cao học. Đề tài đã nghiệm thu.

- Đề tài Nafosted: “Nghiên cứu một số chương trình phát sinh hình thái mới của Lam Kim Tuyến (Anoectochilus spp.) trong nuôi cấy in vitro phục vụ công tác chọn tạo giống”. Công bố 01 bài báo quốc gia.

- Đề tài Nafosted: “Thiết lập phương pháp mới trong khử trùng mẫu, môi trường nuôi cấy và khắc phục một số hiện tượng bất thường trong vi nhân giống trên một số đối tượng cây trồng có giá trị kinh tế”. Công bố 04 bài báo trên tạp chí SCIE.

- Đề tài Nafosted: “Nghiên cứu kỹ thuật mới trong nhân giống, ra hoa và tạo quả của cây chanh dây nuôi cấy in vitro”.

- Đề tài cấp Viện Hàn lâm thuộc 7 hướng ưu tiên: “Nghiên cứu thành phần hóa học, hoạt tính sinh học của cây Thông mộc lá nhám (Aralia dasyphylla Miq.) họ Nhân sâm (Araliaceae) và tạo chế phẩm có khả năng kháng ung thư hoặc kháng viêm hoặc kháng khuẩn”.

- Đề tài cấp Viện Hàn lâm thuộc 7 hướng ưu tiên: “Nghiên cứu nhân giống một số loài có giá trị kinh tế (Thu Hải Đường, Hồng Môn, Cúc) thông qua nuôi cấy các bộ phận của hoa”.

- Đề tài cấp tỉnh Lâm Đồng: “Nghiên cứu tuyển chọn bộ giống Artichoke chất lượng cao tại Lâm Đồng”.

Bên cạnh đó, Viện cũng đã triển khai thực hiện 06 đề tài cấp cơ sở với kinh phí 240 triệu đồng, 01 đề tài cấp cơ sở trẻ với kinh phí 30 triệu đồng.

  1. Kết quả xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ:

- Dự án thiết bị: “Tăng cường năng lực nghiên cứu hóa sinh thực vật”, thực hiện trong giai đoạn 2020-2022. Kinh phí cấp năm 2021 là 10 tỷ đồng. Đã hoàn thành mua thiết bị LC-MS/MS trong kinh phí cấp năm 2021, đưa thiết bị vào vận hành.

- Dự án “Cải tạo ngoại thất trụ sở làm việc Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên” đã hoàn thành các hạng mục cải tạo ngoại thất trụ sở làm việc.

- Dự án “Sửa chữa, nâng cấp Bảo tàng Sinh học Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên”. Đã hoàn thành các gói thầu tư vấn và phi tư vấn, hỗ trợ cho gói thầu chính “Thiết kế bản vẽ thi công và dự toán”.

  1. Kết quả đào tạo, thông tin, xuất bản:

- Về đào tạo: Viện đã tuyển mới được 02 nghiên cứu sinh. Viện cũng phối hợp với các cơ sở đào tạo khác trong việc đào tạo sau đại học. Hiện nay, Viện có 07 viên chức đang làm nghiên cứu sinh, trong đó có 04 trong nước, 03 ở nước ngoài (Mỹ, Đài Loan, Liên Bang Nga).

- Về thông tin, xuất bản: Trong năm, Viện có 29 công trình công bố, trong đó 19 công bố quốc tế, 10 công bố trong nước.

  1. Các kết quả khác:

- Công tác duy tu, bảo quản mẫu vật tại Bảo tàng Sinh học được duy trì. Bảo tàng đã sưu tầm và chế tác được 01 mẫu Rái cá, 01 Tiêu bản nghiên cứu heo rừng.

Trong năm, do tình hình dịch Covid, Bảo tàng chỉ hoạt động 4 tháng đầu năm và đã đón khoảng 20.000 lượt khách đến tham quan, học tập trong đó có trên 50% là học sinh, sinh viên của các trường trong khu vực Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Từ tháng 5 đến nay, Bảo tàng dừng hoạt động theo yêu cầu của địa phương và công tác phòng chống dịch.

Như vậy, hoạt động năm 2021 của Viện cơ bản đã hoàn thành hết các kế hoach đã đề ra, các đề tài, dự án đã được thực hiện theo đúng tiến độ, đảm bảo các sản phẩm đăng ký về công bố, triển khai với một số kết quả tốt.

Các nhiệm vụ chính sẽ triển khai năm 2022 cũng được trình bày, thống nhất tại Hội nghị:

  1. Về kế hoạch Khoa học công nghệ:

Năm 2022, Viện triển khai thực hiện 3 đề tài Nafosted, 2 đề tài cấp Viện Hàn lâm thuộc 7 hướng ưuu tiên, 01 đề tài độc lập cấp trẻ cấp Viện Hàn lâm, 01 đề tài cấp tỉnh Lâm Đồng và 1 nhiệm vụ cấp tỉnh Đăk Nông.

Viện tiếp tục triển khai và mở mới một số đề tài cấp cơ sở. Trong đó đề nghị Viện Hàn lâm phê duyệt 01 đề tài cấp cơ sở chọn lọc cho Phòng Công nghệ Vi sinh.

  1. Kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị:

- Triển khai dự án “Sửa chữa và nâng cấp Bảo tàng Sinh học Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên” theo tiến độ đề ra.

- Dự án: “Tăng cường năng lực nghiên cứu hóa sinh thực vật” hoàn thành công tác mua sắm thiết bị của Dự án theo kế hoạch, nghiệm thu tổng thể Dự án.

- Triển khai 02 Dự án mở mới “Hệ thống thiết bị phục vụ nghiên cứu sinh học phân tử thực vật của Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên” và “Bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống mốc ranh giới Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên”.    

  1. Kế hoạch hợp tác quốc tế, đào tạo, thông tin, xuất bản:

Xây dựng các đề tài hợp tác quốc tế, cử viên chức tham gia đào tạo nghiên cứu sinh trong và ngoài nước để tăng cường tiềm lực đội ngũ cán ngũ khoa học của Viện.

Tiếp tục triển khai công tác đào tạo sau đại học, tuyển sinh TS, ThS.

Bên cạnh công tác tổng kết năm 2021 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2022, Viện NCKHTN cũng đã tổng kết công tác thi đua khen thưởng giành cho những tập thể và cá nhân có thành tích tốt, đóng góp tiêu biểu trong công tác nghiên cứu, hoạt động đoàn thể.

Một số hình ảnh của Hội nghị:

Khen thưởng tập thể lao động tiên tiến

Khen thưởng cá nhân có thành tích xuất sắc

Khen thưởng cho đề tài cơ sở đạt loại xuất sắc

Khen thưởng tổ Công đoàn vững mạnh, xuất sắc

Khen thưởng cho đoàn viên công đoàn xuất sắc và tổ công đoàn xuất sắc

Tin: Phạm Văn Huyến

Thống Kê

1982957
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
341
569
3829
1970562
14811
18746
1982957

Your IP: 18.223.107.149
2024-04-20 14:29