Tây Nguyên là một trong những khu vực có giá trị lớn về đa dạng sinh học ở Việt Nam với nhiều loài động thực vật quý hiếm như Voi châu Á, Voọc chà vá chân xám, Cầy vằn… các loài đặc hữu như Sẻ thông họng vàng, Khướu đầu đen má xám… Tuy vậy, thiên nhiên ở Tây Nguyên đang bị tổn hại và suy giảm nghiêm trọng dưới sự tác động, khai thác của con người. Năm 1990, Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên được thành lập với mục đích nghiên cứu và giáo dục khoa học, bảo tồn thông qua hoạt động sưu tầm, nghiên cứu bộ mẫu tiêu bản động vật, thực vật, trưng bày, thuyết minh, tuyên truyền cộng đồng.

Từ khi thành lập đến nay, Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên đã chế tác và lưu trữ bộ sưu tập mẫu động vật vô cùng phong phú, đặc trưng ở Lâm Đồng và Tây Nguyên. Bộ sưu tập động vật được trưng bày tại Bảo tàng với 7 gian phòng trưng bày và 6 phòng lưu trữ gồm hơn 230 mẫu xương của 45 loài động vật, 528 mẫu thú của 58 loài, 329 mẫu chim của 95 loài, 43 mẫu bò sát của 32 loài, 36 mẫu gia súc gia cầm của 22 loài, 464 mẫu của các loài côn trùng thuộc 10 bộ côn trùng có ý nghĩa khoa học và kinh tế phổ biến tại khu vực Tây Nguyên. Đặc biệt, có những mẫu tiêu bản có giá trị lớn về mặt bảo tồn được chính Bảo tàng chế tác như tiêu bản xương, da hoàn chỉnh của Voi châu Á, Bò tót, của các loài linh trưởng quý hiếm: Vượn đen má trắng, Voọc vá chân đen, Culi nhỏ, Voọc bạc…  Ngoài ra, Bảo tàng Sinh học còn trưng bày 245 mẫu nấm lớn của 240 loài thuộc khu vực rừng thông Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, Bảo tàng Sinh học còn thực hiện chế tác tiêu bản động vật cho các đơn vị hợp tác như VQG Cát Tiên, VQG Núi Chúa, Thảo Cầm Viên Sài Gòn, Công viên Văn hóa Đầm Sen… Hiện nay, Bảo tàng là đơn vị chế tác và lưu trữ mẫu tiêu bản động vật của khu vực Tây Nguyên và các khu vực lân cận như Đông Nam bộ, Duyên hải Nam Trung bộ…

Với bộ sưu tập mẫu tiêu bản động vật lớn và quý hiếm, đặc trưng cho khu vực, Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên là nguồn tài nguyên quý cho các nghiên cứu về hình thái, giải phẫu học của các loài động vật, là nguồn cơ sở dữ liệu quan trọng trong việc định danh và phân loại các loài động vật dựa trên hình thái. Những mẫu vật này còn là hồ sơ lịch sử, mỗi mẫu vật đều mang địa điểm và thời gian thu nhận, cung cấp những cơ sở để các nhà nghiên cứu có thể tìm hiểu về tiến hóa, đa dạng sinh học, thay đổi về sinh thái, không gian, thời gian quần thể loài xuất hiện, diễn thế sinh thái… Đồng thời xác định được mối tương quan, sự ảnh hưởng của những hoạt động của con người đến môi trường, khí hậu, qua đó xác định những ảnh hưởng lên sinh vật sống trong hệ sinh thái.

Với những tiến bộ về công nghệ ngày nay, nhiều thông tin được khai thác hơn từ những mẫu vật lâu đời như gen. Do đó, Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên cũng là nguồn tài nguyên lớn để nghiên cứu về các lĩnh vực sâu hơn như sinh học phân tử, di truyền, xây dựng cây phân loại, đánh giá mối quan hệ của cá thể loài trong cùng khu vực, mang lại nhiều tiềm năng và cơ hội trong công tác nghiên cứu, bảo tồn.

Một số tiêu bản động vật được Bảo Tàng Sinh học Tây Nguyên chế tác:

Tiêu bản xương và da của Voi châu Á (Elephas maximus Linnaeus, 1758)

Tiêu bản xương và da của Bò Tót (Bos gaurus Smith, 1827)

Tiêu bản da lông của Cọp Đông Dương (Panthera tigris Mazak, 1968)

Tin: Hà Thanh Thịnh

Thống Kê

1982912
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
296
569
3784
1970562
14766
18746
1982912

Your IP: 3.140.185.147
2024-04-20 12:51