Bảo tàng Sinh học nằm trên đỉnh đồi Tùng Lâm cao 1.548m, giữa khu rừng thông cách trung tâm thành phố Đà Lạt gần 10 km trên đường đi Suối Vàng. Được xây dựng từ năm 1950, tiền thân của ngôi nhà Bảo tàng là Học viện của giáo hội Công giáo.
Viện Sinh học Tây Nguyên đã triển khai xây dựng Bảo tàng Sinh học từ năm 1990. Đến nay Bảo tàng đã có được một bộ sưu tập mẫu động vật và thực vật vô cùng phong phú, đặc trưng ở Lâm Đồng và Tây Nguyên.
Với mục tiêu giới thiệu cho du khách về tài nguyên của rừng Tây Nguyên, Bảo tàng chúng tôi đang lưu giữ và trưng bày bộ sưu tập động vật vô cùng quý giá góp phần phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu cũng như ngành du lịch của địa phương.
Bộ sưu tập động vật ở Tây Nguyên được trưng bày tại Bảo tàng với 7 gian phòng trưng bày và 6 phòng lưu trữ gồm 195 mẫu xương của 45 loài động vật, 386 mẫu thú của 58 loài, 245 mẫu chim của 95 loài, 43 mẫu lưỡng thê bò sát của 32 loài, 36 mẫu thú nuôi nhà của 22 loài, hơn 300 mẫu của các loài côn trùng thuộc 10 bộ côn trùng có ý nghĩa khoa học và kinh tế phổ biến tại khu vực Tây Nguyên. Ngoài ra Bảo tang Sinh học còn trưng bày 245 mẫu nấm lớn của 240 loài thuộc khu vực rừng thông Lâm Đồng.
Kết hợp với việc trưng bày, Bảo tàng còn hướng khách tham quan việc bảo vệ môi trường sống, bảo vệ những sản phẩm mà thiên nhiên đã tạo ra cho con người chúng ta.
Những nỗ lực trong suốt chặng đường hình thành và phát triển, Bảo tàng Sinh học muốn gửi đến mọi người một thông điệp: “Hãy thân thiện hơn với thiên nhiên, để thiên nhiên mãi là bạn đồng hành của con người”.
18 Mẫu vật tiêu biểu của Bảo Tàng Sinh học
1. Mang lớn Megamuntiacus vuquangensis (Đỗ Tước et al, 1994)
Đây là loài thú mới phát hiện ở Việt Nam. Mang lớn sống trong rừng già, rừng thứ sinh, savan. Hoạt động kiếm ăn ban đêm. Thức ăn chủ yếu là cỏ, lá cây và quả. Sống đơn lẻ, chỉ ghép đôi trong thời kì động dục.
2. Bò tót Bos gaurus (Smith, 1827)
Bò tót sống thành từng đàn 5-10 con trong rừng khộp Tây Nguyên, rừng già thường xanh, rừng thứ sinh. Thức ăn của bò tót chủ yếu là cỏ, mầm lá non. Hoạt động kiếm ăn ban ngày từ 4-5h sáng. Sinh sản mỗi năm 1 lứa, mỗi lứa một con.
3. Bò rừng Bos javanicus (Wagner, 1844)
Bò rừng sống thành từng đàn 10-30 con ở rừng thưa trong các thung lũng rộng ven suối, rừng khộp cây họ dầu. Hoạt động kiếm ăn vào ban ngày. Thức ăn của bò rừng chủ yếu là cỏ, mầm lá non. Sinh sản mỗi năm 1 lứa, mỗi lứa một con.
4. Sơn dương Capriconis sumatraensis (Benchstein, 1799)
Sơn dương sống thành từng nhóm nhỏ, 3-4 cá thể trong những vùng núi đá có độ cao từ 50-2000 m so với mặt nước biển. Hoạt động kiếm ăn ban ngày ở lưng chừng núi và trên đỉnh núi, ngủ đêm trong các hang đá tự nhiên. Sinh sản tập trung vào tháng 3, 4. Mỗi năm một lứa, mỗi lứa một con. Là loài thú quý hiếm, sách đỏ Việt Nam xếp bậc 5.
5. Vượn đen má trắng Hylobates concolor (Thomas, 1909)
Vượn đen má trắng sống thành đàn từ 3-7 con như trong một gia đình trong rừng già trên đỉnh núi cao, rậm rạp. Hoạt động kiếm ăn ban ngày trên cây cao. Thức ăn là quả, hạt, lá cây, côn trùng, trứng chim, chim non. Hai năm đẻ một lứa, mỗi lứa đẻ 1 con. Đây là loài đặc hữu của 2 nước Việt Nam và Lào. Là loài thú bậc cao, quý hiếm, có một số đặc điểm giống người nên là đối tượng nghiên cứa y học thực nghiệm và tiến hóa.
6. Sói đỏ Cuon alpinus (Pallas, 1811)
Sói đỏ sống bầy đàn 6-8 con trong rừng đầu nguồn thường xanh và rừng khộp. Hoạt động tích cực vào sáng sớm và chiều tối. Thức ăn là các loài thú như hoẵng, hươu nai, lợn rừng. Phân bố rộng ở các tỉnh từ Bắc xuống Nam, trừ các tỉnh Đồng bằng Sông Hồng, sông Cửu Long và hải đảo.
7. Gấu ngựa Selenarctos thibetanus (G.Cuvier, 1823)
Gấu ngựa sống độc thân trong rừng đầu nguồn, rừng hỗn giao. Hoạt động kiếm ăn ban đêm, leo trèo và bơi lội giỏi. Gấu ngựa ăn tạp, thức ăn gồm động vật và thực vật. Mùa sinh sản không rõ rệt trong năm. Mỗi lứa đẻ từ 1-2 con, gấu con sống với mẹ từ 1,5-2 năm mới tách đàn. Phân bố rộng ở các vùng rừng núi từ Bắc vào Nam. Là loài thú rất quý.
8. Cầy giông sọc Viverra megaspila (Blyth, 1862)
Đây là loài thú quý hiếm, không có dẫn liệu về sinh học và sinh thái học. Chỉ phân bố ở các tỉnh phía Nam.
9. Cầy mực Arctictis binturong (Raffles, 1821)
Cầy mực sống đơn độc trong rừng già, rừng hỗn giao, làm tổ trong hốc cây, hoạt động vào ban đêm, leo trèo giỏi. Thức ăn là các loài thú nhỏ, rắn, cá và các loại cỏ mọng.
10. Mèo gấm Felis Mamorata (Martin, 1837)
Đây là loài thú quý hiếm, không có dẫn liệu về sinh học và sinh thái học.
11. Báo lửa Felis temminckii (Vigors et Horsfield, 1827)
Báo lửa sống trong rừng núi đất, núi đá. Hoạt động vào ban đêm, thức ăn chủ yếu là: hoẵng, cheo, gà, lợn rừng non. Báo lửa là loài thú quý hiếm, phân bố rộng.
12. Báo hoa mai Panthera pardus (Linnaeus, 1758)
Báo hoa mai sống trong rừng nguyên sinh, rừng thứ sinh. Chỗ ở không cố định. Vùng hoạt động ở nhiều độ cao khác nhau. Có thể leo trèo cây lớn cao 2-3 m. Sống đơn độc, chỉ ghép đôi trong thời kỳ động dục và hợp đàn tạm thời trong lúc săn mồi. Thức ăn là những thú khác như: hươu, nai, hoẵng, lợn rừng, khỉ…và động vật nuôi: bò, dê, cừu… Mùa sinh sản không rõ rệt. Một năm hoặc ba năm đẻ một lứa, mỗi lứa chỉ đẻ một con.
13. Báo gấm Neofelis nebulosa (Griffithi, 1821)
Báo gấm sống trong rừng rậm, rừng nhiều tầng trên núi đất, núi đá. Chúng sử dụng các hang hốc tự nhiên làm tổ. Hoạt động ban đêm, leo trèo giỏi, bắt mồi từ trên cây. Ban ngày thường ngủ trên cành cây. Thức ăn của báo gấm là các loại chim, thú nhỏ như: khỉ, voọc, culi, cheo cheo, nai con, hoẵng. Sinh sản vào mùa hè. Mỗi lứa đẻ từ 2-4 con.
14. Hổ Panthera tigris (Linnaeus, 1758)
Hổ sống độc thân trong các khu rừng già, rừng tái sinh cây bụi, lau lách, trảng cỏ cao. Thức ăn của hổ gồm nhiều loài thú khác nhau như: hươu, nai, hoẵng, lợn, trâu, bò… Mùa sinh sản không rõ ràng. Mỗi lứa đẻ 2 – 4 con, con non sống với mẹ 1-2 năm. Là loài thú hiếm có nguy cơ bị tiêu diệt do sức ép của nạn săn bắt và chặt phá rừng.
15. Công Pavo munticus imperator (Delacour, 1949)
Công sống theo đàn trong rừng thưa, rừng cây họ dầu, các bãi cỏ trống trải xen lẫn cây bụi hay cây gỗ lớn. Ban đêm ngủ trên cây cao cạnh chỗ kiếm ăn, ít thay đổi nơi ở trong năm. Công làm tổ đơn giản, sinh sản vào tháng 5, 6. Mỗi lứa đẻ 4-6 trứng. Thức ăn chủ yếu là ngũ cốc, hạt cỏ dại, côn trùng và nhái. Là loài chim quý có giá trị khoa học và thẩm mỹ.
16. Trĩ sao Rhenartia ocellata (Elliot, 1871)
Trĩ sao sống ở rừng thường xanh, trên các đỉnh và sườn đồi có độ dốc khác nhau. Bắt đầu sinh sản từ tháng 3. Thức ăn gồm côn trùng, lá cây, quả và hạt cỏ. Là loài chim có giá trị khoa học và thẩm mỹ.
17. Gà tiền mặt đỏ Polyplectron germaini (Elliot, 1866)
Gà tiền mặt đỏ sống ở các sinh cảnh khác nhau như rừng thường xanh, rừng thông và tre nứa, nơi có độ cao dưới 1200 m. Thức ăn chủ yếu là côn trùng và quả cây. Sinh sản quanh năm. Là loài đặc hữu, có giá trị khoa học và thẩm mỹ.
18. Phượng hoàng đất Buceros bicornis (Linnaeus, 1758)
Phượng hoàng đất sống định cư và làm tổ trong rừng rậm. Thường kiếm ăn ở tầng trên của rừng, bay thành đàn từ 5-7 con. Thức ăn chủ yếu là quả cây. Là loài chim quý.