Cây hồng môn thiên nga (Anthurium scherzerianum Schott) là giống hoa nhập nội, có giá trị kinh tế cao. Hiện nay ở nước ta chưa có công bố nhân giống in vitro và nuôi trồng hoa hồng môn thiên nga. Nhóm nghiên cứu phòng Công nghệ thực vật tiến hành nghiên cứu khả năng tái sinh in vitro và sinh trưởng phát triển ex vitro của cây. Kết quả cho thấy, môi trường MS bổ sung 0,3 - 0,5 mg/l BA kết hợp 0,1 mg/l 2,4-D đều phù hợp đến sự hình thành callus từ lá non (khối lượng tươi của callus 0,19 - 0,20 g/mẫu, tỷ lệ mẫu tạo callus 80%). Môi trường MS bổ sung 1,5 mg/l BA là phù hợp đến sự biệt hóa chồi từ callus (chiều cao chồi 2,98 cm, số chồi 25,10 chồi/mẫu, số mẫu biệt hóa chồi 100%). Môi trường MS bổ sung 0 - 1 mg/l IBA đều thích hợp tạo rễ in vitro (tỷ lệ mẫu tạo rễ 100%). Vụn xơ dừa là giá thể tốt nhất để chuyển cây cấy mô ra điều kiện ex vitro (chiều cao cây 7,14 cm, chiều dài rễ 3,92 cm, tỷ lệ sống 94,44%). Giá thể 70% vụn xơ dừa + 20% trấu hun + 10% phân dê phù hợp cho cây sinh trưởng phát triển và ra hoa ở điều kiện ex vitro (chiều cao cây 22,42 cm, số hoa 1,30 hoa/chậu, tỷ lệ sống và ra hoa 100%). Khí hậu của Đà Lạt - Lâm Đồng phù hợp cho trồng hồng môn thiên nga, cây phát triển tốt ra hoa sau 8 tháng trồng và đồng loạt ra hoa sau 12 tháng trồng. Cây sinh trưởng tốt ra hoa nhiều hơn sau 24 tháng trồng (chiều cao cây 37,13 cm, số hoa 3,2 hoa/chậu), sau 36 tháng trồng (chiều cao cây 47,79 cm, số hoa 4,4 hoa/chậu).
Hình 1. Nghiên cứu khả năng tái sinh in vitro và sinh trưởng phát triển ex vitro cây hồng môn thiên nga (Anthurium scherzerianum Schott)
a. Cây hồng môn thiên nga trưởng thành đã ra hoa; b. Lá non cây hồng môn thiên nga để đưa vào ống nghiệm; c. Mẫu lá non làm vật liệu nghiên cứu tái sinh callus in vitro; d1, d2, d3. Callus hình thành trên môi trường ½ MS bổ sung 03 - 0,5 mg/l BA kết hợp 0,1 mg/l 2,4-D; e. Mẫu callus làm vật liệu nghiên cứu tái sinh chồi in vitro; f. Chồi tái sinh từ callus trên môi trường MS bổ sung 1,5 mg/l BA; g1, g2, g3, g4. Tạo rễ in vitro trên môi trường ½ MS bổ sung 0, 0,1, 0,5, 1 mg/l IBA.
Hình 2. Nghiên cứu khả năng tái sinh in vitro và sinh trưởng phát triển ex vitro cây hồng môn thiên nga (Anthurium scherzerianum Schott)
a. Cây hồng môn thiên nga cấy mô; b. Khả năng thích nghi và sinh trưởng cây cấy mô trên giá thể vụn xơ dừa sau 3 tháng nuôi trồng; c. Sư sinh trưởng phát triển của cây trên giá thể 70% vụn xơ dừa + 20% trấu hun + 10% phân dê sau 8 tháng nuôi trồng; d. Sự sinh trưởng phát triển của cây trên giá thể 70% vụn xơ dừa + 20% trấu hun + 10% phân dê sau 12 tháng nuôi trồng; e, f. Sự sinh trưởng phát triển của cây trên giá thể 70% vụn xơ dừa + 20% trấu hun + 10% phân dê sau 24 và 36 tháng nuôi trồng.
Tin: Phượng Hoàng