Ngày 18/01/2024, Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024.
Thay mặt Ban lãnh đạo cơ quan, TS. Nguyễn Hữu Toàn Phan – Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đã thông qua Báo cáo tổng kết năm 2023, triển khai kế hoạch hoạt động năm 2024 với một số nội dung chính như sau:
1. Kết quả hoạt động năm 2023:
1.1 Kết quả khoa học và công nghệ:
Trong năm 2023, Viện triển khai thực hiện 2 đề tài Nafosted, 2 đề tài cấp Viện Hàn lâm thuộc 7 hướng, 01 đề tài độc lập cấp trẻ cấp Viện Hàn lâm, 03 Hợp đồng với địa phương: 01 đề tài cấp tỉnh Lâm Đồng, 02 đề tài cấp cơ sở chọn lọc, 01 nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển nhóm xuất sắc.
a. Các nhiệm vụ KHCN cấp Quốc gia (Nhà nước):
- Đề tài Nafosted: “Nghiên cứu một số chương trình phát sinh hình thái mới của lan Kim tuyến (Anoectochilus spp.) trong nuôi cấy in vitro phục vụ công tác chọn tạo giống”: Đào tạo 1 thạc sỹ; 1 bài báo tạp chí quốc gia uy tín.
- Đề tài Nafosted: “Nghiên cứu kỹ thuật mới trong nhân giống, ra hoa và tạo quả của cây chanh dây nuôi cấy in vitro”: Kết quả nghiên cứu đã đưa ra quy trình nhân giống chanh dây thông qua kỹ thuật TCLs, khắc phục một số hiện tượng bất thường, vi ghép giống chanh dây thông qua nuôi cấy đỉnh sinh trưởng kết hợp với kỹ thuật TCLs, quá trình ra hoa và tạo quả và đánh giá khả năng thích nghi, sinh trưởng và phát triển ở đồng ruộng.
b. Các nhiệm vụ KHCN cấp Viện Hàn lâm KHCNVN:
- Đề tài cấp Viện Hàn lâm thuộc 7 hướng ưu tiên: “Nghiên cứu nhân giống một số loại hoa có giá trị kinh tế (Thu Hải Đường, Hồng Môn, Cúc) thông qua nuôi cấy các bộ phận của hoa.”: Đề tài đã hoàn thành nghiệm thu cấp Viện Hàn lâm; Đã xây dựng được ba quy trình tái sinh và nhân giống hiệu quả từ nguồn mẫu cánh hoa cây Thu Hải Đường, Hồng Môn, Cúc.
- Đề tài cấp Viện Hàn lâm thuộc 7 hướng ưu tiên: “Xây dựng cơ sở dữ liệu khoa học về nguồn tài nguyên tre trúc ở Tây Nguyên”.
Đề tài đã hoàn thành nội dung nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn tài nguyên tre trúc ở Tây Nguyên về mặt hình thái của 30 loài, dữ liệu sinh học phân tử của 5 loài. Đã xây dựng bộ tiêu bản khô của 30 loài với 90 tiêu bản. Trong năm đã phát hiện và mô tả một loài mới cho khoa học.
- Đề tài độc lập trẻ cấp Viện Hàn lâm: “Nghiên cứu mối quan hệ di truyền các loài thú linh trưởng ở Tây Nguyên dựa trên phân tích trình tự DNA ty thể”.
Đã tìm được các điểm đột biến giữa một số nhóm linh trưởng; Đánh giá mối quan hệ di truyền giữa một số nhóm linh trưởng.
c. Nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển nhóm xuất sắc:
- Nghiên cứu ảnh hưởng của một số hạt nano kim loại lên sự phát sinh hình thái, sinh trưởng - phát triển, sinh lý - sinh hóa và tích lũy hợp chất thứ cấp của một số cây trồng có giá trị kinh tế cao: Kết quả nghiên cứu tác động của nano kim loại lên khả năng khử trùng mẫu cấy và khử trùng môi trường nuôi cấy in vitro, thay thế cho các muối kim loại trong môi trường nuôi cấy in vitro, lên khả năng phát sinh hình thái in vitro, như chất điều hòa sinh trưởng thực vật, khả năng tích lũy hợp chất thứ cấp, tới một số chỉ tiêu sinh lý - sinh hóa.
d. Các nhiệm vụ KHCN cấp cơ sở chọn lọc:
- Tối ưu hóa điều kiện nuôi cấy hệ sợi nấm ký sinh côn trùng [Isaria tenuipes (Peck.) Samson (DL0099)] - Một loài nấm dược liệu: Đề tài đã nghiên cứu điều kiện tối ưu cho sự sinh trưởng của hệ sợi nấm, môi trường SA và SDAY, thời gian nuôi cấy.
- Phân tích thành phần hóa học chính của hai loài Magnolia lamdongensis và Magnolia tiepii bằng kỹ thuật LC-MS: Đã phân lập và xác định được cấu trúc của 20 hợp chất sạch. Khảo sát điều kiện chạy sắc ký khối phổ LC- MS/MS và xây dựng phương pháp sắc ký vân tay bằng LC-MS/MS.
Bên cạnh đó, Viện cũng đã triển khai 01 nhiệm vụ hỗ trợ NCVCC cũng như 4 đề tài cấp cơ sở với kinh phí 160 triệu đồng.
1.2 Kết quả ứng dụng triển khai:
Viện thực hiện các hợp đồng dịch vụ công nghệ với các Sở, Ban ngành, Bảo tàng, vườn Quốc gia như: Vườn Quốc gia Yok Đôn, Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Hậu Giang, Bảo tàng thiên nhiên duyên hải miền Trung, Bảo tàng Đồng Nai,... để tư vấn, thực hiện bảo quản, chế tác mẫu.
1.3 Công tác tổ chức cán bộ:
Hoàn thành lộ trình tinh giản biên chế năm 2023 của Viện Hàn lâm đã đề ra. Trong năm, Viện tuyển dụng 03 biên chế (01 nghiên cứu viên và 02 kế toán viên).
Đơn vị thực hiện bổ nhiệm lại đối với 01 Phó Viện trưởng, và 7 Trưởng, phó phòng.
Trong năm, đơn vị tích cực triển khai đào tạo nhân lực. Đã cử 01 viên chức lãnh đạo tham gia lớp Cao cấp lý luận chính trị, 05 viên chức tham gia lớp trung cấp lý luận chính trị, 01 viên chức thăng hạng nghiên cứu viên cao cấp cũng như 01 viên chức đào tạo ngắn hạn ở nước ngoài.
1.4 Kết quả xây dựng tiềm lực khoa học công nghệ:
a. Tiềm lực cơ sở vật chất:
- Dự án xây dựng cơ bản: Dự án “Sửa chữa, nâng cấp Bảo tàng Sinh học”: Thực hiện trong giai đoạn 2021-2024. Kinh phí cấp năm 2022 là 20 tỷ đồng.
Đơn vị tập trung triển khai thực hiện gói thầu chính về xây lằp và phòng cháy chữa cháy theo kế hoạch đề ra, đến nay là hoàn thành 80% khối lượng công việc của gói thầu. Viện đang tiến hành đấu thầu các gói thầu mẫu vật năm thuộc dự án.
- Dự án: “Bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống mốc ranh giới Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên”.
Trong quá trình thi công có một số mốc, đoạn mốc bị lấn chiếm, đơn vị đã làm việc với các cơ quan chức năng của phường, thành phố để giải quyết nhưng thời gian giải quyết kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
b. Tiềm lực cán bộ:
Viện có 01 NCVCC nhận hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ nghiên cứu viên cao cấp năm 2023. Trong năm, có 1 viên chức thăng hạng nghiên cứu viên cao cấp. 01 Đăng ký đề xuất tham gia chương trình thu hút nhà khoa học trẻ.
1.5 Kết quả hợp tác quốc tế, đào tạo, thông tin, xuất bản:
Thực hiện theo kế hoạch đào tạo sau đại học của Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện đang hướng dẫn, đào tạo 13 nghiên cứu sinh. Ngoài ra, Viện cũng phối hợp với các cơ sở đào tạo khác trong việc đào tạo sau đại học.
Trong năm 2023, Viện có 8 viên chức đang làm nghiên cứu sinh, trong đó có 04 trong nước (01 viên chức hoàn thành bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Học viện KHCN), 04 ở nước ngoài (01 viên chức hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Nga) và 01 viên chức học cao học nước ngoài tại Hung-ga-ri.
Tính từ tháng 12/2022 đến tháng 10/2023, Viện đã công bố 13 bài báo trên tạp chí thuộc danh mục SCI-E, 04 bài báo trên các tạp chí quốc tế không thuộc danh mục SCI-E nhưng có mã chuẩn ISSN, 02 bài trên tạp chí VAST2 của Viện Hàn lâm, 05 bài báo công bố trong nước, 3 bài tại hội thảo và 02 sách chuyên khảo.
1.6. Các kết quả khác:
Công tác duy tu, bảo quản mẫu vật tại Bảo tàng Sinh học được duy trì. Bảo tàng đã sưu tầm và chế tác được 01 tiêu bản nghiên cứu mèo rừng (Felis bengalensis) và 01 mẫu trưng bày Chim trĩ đỏ khoan cổ (Phasianus colchicus torquatus).
2. Xây dựng kế hoạch năm 2024
2.1. Kế hoạch Khoa học công nghệ:
Tiếp tục thực hiện các Đề tài, Dự án; mở mới các Đề tài, Dự án trong năm 2024.
2.2. Kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất và trang thiết bị:
- Các dự án xây dựng cơ bản:
Tiếp tục triển khai thực hiện Dự án “Sửa chữa nâng cấp Bảo tàng Sinh học” theo kế hoạch để quyết toán hoàn thành năm 2024.
2.3. Kế hoạch HTQT, đào tạo, thông tin, xuất bản:
Xây dựng các đề tài hợp tác quốc tế; cử viên chức tham dự đào tạo nghiên cứu sinh trong và ngoài nước để tăng cường tiềm lực đội ngũ cán bộ khoa học của Viện.
Tiếp tục triển khai công tác đào tạo sau đại học, tuyển sinh Tiến sĩ và Thạc sĩ.
Toàn cảnh Hội nghị
Khen thưởng cho tập thể lao động tiên tiến
Khen thưởng chiến sĩ thi đua cấp cơ sở
Khen thưởng cho đoàn viên và tổ Công đoàn xuất sắc
Toàn thể cán bộ, nhân viên chụp hình lưu niệm
Tin: Phạm Văn Huyến