Rái cá (Lutrinae) là một nhóm động vật có vú ăn thịt sống dưới nước hay đại dương, thuộc một phần của họ Chồn (Mustelidae) bao gồm chồn, chồn nâu, lửng, cũng như một vài loài khác. Với 13 loài trong 7 chi, rái cá phân bố khắp nơi trên thế giới ngoại trừ Nam Cực và Australasia (Yoxon và Yoxon, 2014). Nghiên cứu về phân loại dựa trên hình thái và sinh học phân tử để phân biệt chủng loài, xác định loài mới đã được nghiên cứu bởi nhiều tác giả trên thế giới (Koepfli et al., 1998, 2003, 2004; Marm et al., 2004; Radinsky 1968; Wurster và Benirschk 1968; Willemsen 1980, 1986, 1992).

Ở Việt Nam có 4 loài rái cá: rái cá thường (Lutra lutra), rái cá vuốt bé (Aonyx cinereus), rái cá lông mượt (Lutrogale perspicillata), rái cá lông mũi (Lutra sumatrana). Hiện nay, tại Bảo Tàng Sinh học – Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên đang lưu giữ 3 loài rái cá (trừ loài rái cá lông mũi). Tuy nhiên, việc định loại mẫu vật đưa về trưng bày và lưu giữ mới chỉ dựa trên các đặc điểm hình thái ngoài, chưa sử dụng dữ liệu phân tử.

Việc so sánh các trình tự DNA ty thể đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu phân loại học và phát sinh chủng loại cho phép các nhà sinh học làm sáng tỏ mối quan hệ và tiến hóa giữa các loài. Nó cũng cho phép việc kiểm tra mối liên hệ của các quần thể, và như vậy nó rất quan trọng trong lĩnh vực nhân chủng học và sinh học thông qua việc dựng lại cây phả hệ theo dòng mẹ. Vì vậy, những trình tự của ty thể được sử dụng nhằm đánh giá phát sinh chủng loại trên nhiều đối tượng khác nhau. Trên thế giới, nghiên cứu về mối quan hệ phát sinh loài dựa trên 1 số trình tự của ty thể cũng đã được thực hiện trên một số loài rái cá như rái cá lông mượt Lutrogale perspicillata (Moretti et al., 2016).

Hiện nay ở trong nước, nghiên cứu sử dụng các trình tự ty thể nhằm xác định phát sinh loài đã được thực hiện trên một số đối tượng; tuy nhiên, trên đối tượng rái cá vẫn chưa có nghiên cứu nào. Nghiên cứu “Định loại và đánh giá mối quan hệ di truyền của các mẫu Rái cá tại Bảo tàng Sinh học dựa trên phân tích trình tự gen ty thể” nhằm đánh giá được những biến đổi di truyền và quan hệ phát sinh loài của các mẫu Rái cá cũng như định danh chính xác tên loài phục vụ cho công tác nghiên cứu và lưu trữ mẫu.

Trong nghiên cứu này, 8 mẫu rái cá đã được sử dụng để phân tích các vị trí thay đổi trong gen cytochrom b. Một đoạn gồm 1131 cặp bazơ đã được khuếch đại, tuy nhiên một chuỗi nucleotide gồm 940 cặp bazơ đã được sử dụng để phân tích do trình tự có chất lượng và độ tin cậy cao. Các trình tự này cho thấy có 189 vị trí đa hình, chiếm 20,1% tổng số trình tự DNA được phân tích (940 bp). Những loài rái cá từ Tây Nguyên Việt Nam được tách thành ba nhóm, bao gồm VN nhóm 1 (mẫu LD1, LD2, LD3, LD4), VN nhóm 2 (mẫu LD5 và LD6) và VN nhóm 3 (mẫu LD7 và LD8).

 

Cây phát sinh loài được thiết lập dựa trên trình tự cytochrom b từ các cá thể rái cá bằng phương pháp phân tích Neighbor-Joining. Giá trị bootstrap được lặp lại 1000 lần và kết quả giá trị bootstrap được hiển thị trên các nhánh tương ứng.

Như vậy, thông qua đề tài đã định danh được 08 mẫu Rái cá bao gồm: 04 mẫu Rái cá vuốt bé (LD1, LD2, LD3, LD4), 02 mẫu Rái cá lông mượt (LD5, LD6) và 02 mẫu Rái cá thường (LD7, LD8).

Tin: Hà Thanh Thịnh

Thống Kê

2064794
Today
Yesterday
This Week
Last Week
This Month
Last Month
All days
216
458
13067
2049815
17761
13099
2064794

Your IP: 18.189.189.251
2024-12-21 13:28