Mang là động vật có họ hàng với hươu, nai thuộc chi Muntiacus. Mang có thể là những loài hươu cổ nhất được biết đến, chúng xuất hiện vào khoảng 15-35 triệu năm trước, căn cứ trên di tích hóa thạch tìm thấy trong các trầm tích của thế Miocen tại Pháp và Đức. Các loài ngày nay còn sống có nguồn gốc nguyên thủy ở vùng Đông Nam Á và Ấn Độ. Mang là loài động vật được chú ý trong các nghiên cứu về sự tiến hóa do các biến thể lớn trong bộ nhiễm sắc thể của chúng cũng như các phát hiện về các loài mới trong thời gian gần đây.
Mang lớn (Muntiacus vuquangensis) là một loài mang quý hiếm ở Việt Nam. Loài mang này lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1994 tại Khu bảo tồn thiên nhiên Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh, Bắc Trung Bộ Việt Nam và được mô tả vào năm 1996.
Mang lớn có trọng lượng từ 30 đến 50 kg, con đực thường lớn hơn con cái. Bộ lông có màu nâu nhạt và trở nên sẫm hơn về phía sau, phần lưng sẫm hơn phần bụng. Các chi có màu nâu sẫm đến hơi đen. Lông ở dưới bụng, mặt trong chân, vùng hậu môn và mặt dưới đuôi có màu trắng. Bộ lông của con đực đã được ghi nhận là trở nên sẫm màu hơn vào tháng 12 và tháng 1 khi sự phát triển của nhung ngừng lại và nhung khô đi. Đuôi của Mang lớn tương đối ngắn và có hình tam giác. Con đực có răng nanh lớn mọc ra từ hàm trên. Dọc tuyến trán có ít lông mịn màu đen, hàng lông dài quanh tuyến đổ về phía sau. Tuyến lệ có dải lông mịn màu sẫm. Gạc ở Mang lớn đực lớn hơn của bất kỳ loài mang nào khác, dài 28 – 30 cm, nhánh chính 14 – 25 cm, nhánh phụ 8 – 13 cm, phần đế ngắn 3 – 7 cm. Lông trên đầu Mang lớn màu nâu đậm với những sọc đen chạy dọc xuống đế gạc phía trong trán từ nhánh gạc nhỏ đến suốt tuyến trước trán. Tuyến trán nhô ra, dài khoảng 2 cm với bờ mi gấp lên và không có lông. Có bốn đặc điểm phân biệt Mang lớn đối với những loài mang khác: phần chân ngắn và mập, kích thước và hình dạng của gạc, đặc điểm hộp sọ (chiều dài và hình dạng của mũi) và đuôi hình tam giác.
Một con Mang lớn trưởng thành trong điều kiện nuôi nhốt ở Laksao, Lào (ngày 20 tháng 12 năm 1994; ảnh của G. B. Schaller)
Năm 1994, loài Mang lớn được bảo vệ theo Phụ lục I của Công ước CITES. Lào và Việt Nam đã và đang bảo vệ đa dạng sinh học của các khu vực rừng bằng cách tạo ra một số Khu Bảo tồn Đa dạng Sinh học Quốc gia trong và gần dãy núi Trường Sơn.
Vào những năm 1990, hai Viện nghiên cứu ở Hà Nội đã thu được năm mẫu Mang lớn mới săn bắt được từ huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng trong khu vực Tây Nguyên, nơi loài này được cho là tương đối phổ biến. Viện sinh học Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng bắt đầu thu thập mẫu vật vào năm 1990 đến 1995, và đáng chú ý là thu được 19 mẫu Mang lớn (trong hồ sơ ghi nhận: 6 mẫu nhồi, 4 mẫu đầu lâu và 9 tấm da).
Vì những ghi nhận và báo cáo về độ quý hiếm của loài Mang lớn mà tháng 6 năm 2016, IUCN đã chuyển mức độ nguy cấp của Mang lớn từ nguy cấp (EN – ENDANGERED) sang rất nguy cấp (CR - CRITICAL ENDANGERED). Đây là cấp độ nguy cấp cao nhất, ngang với loài Sao la (Pseudoryx nghetinhensis), trước khi chúng bị tuyệt chủng ngoài tự nhiên như Tê giác Java Việt Nam (Rhinoceros sondaicus annamiticus).
Ngày 22/04/2019, hệ thống giám sát ở khu dự trữ sinh quyển Lang Biang, tỉnh Lâm Đồng, thông qua 35 bẫy ảnh, đã phát hiện ra loài Mang lớn (Muntiacus vuquangensis). Đây là kết quả của dự án quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững (SNRM), được tài trợ bởi cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Phát hiện này góp phần tăng thêm khả năng bảo tồn loài Mang lớn vì giúp các chuyên gia xác định được khu vực phân bố của quần thể. Với những tiến bộ khoa học hiện nay, hi vọng rằng sẽ có nhiều phương pháp hiệu quả giúp bảo tồn loài Mang lớn khỏi nguy cơ tuyệt chủng.
Mang lớn (Muntiacus vuquangensis), con đực, được ghi nhận bằng bẫy ảnh tại khu dự trữ sinh quyển Lang Biang ngày 22/04/2019
Tin: Hà Thanh Thịnh
Nguồn tin:
G.B. Schaller, Journal of Mammalogy, 77 (3), 675-683 (1996). https://doi.org/10.2307/1382672.